Bệnh than và những điều bạn cần biết
Bệnh than và những điều bạn cần biết
------------------------
1. Định nghĩa ?:------------------------
Bệnh Than hay bệnh nhiệt thán là một loại bệnh truyền nhiễm, gây ra bởi vi khuẩn gram dương hình que, gọi là Bacillus Anthracis.
Bệnh lây qua 3 con đường, phổ biến nhất là qua da, đường tiêu hóa hay đường hô hấp. Hiện nay, người ta lợi dụng căn bệnh nguy hiểm này để làm vũ khí sinh học, vì thế, bệnh ngày càng phán tán mạnh mẽ.
Vi khuẩn gây bệnh than có thể tìm thấy trong đất, thường gây bệnh cho vật nuôi hay động vật hoang dã. Vì thế, con người có nguy cơ mắc bệnh than nếu tiếp xúc với động vật đã nhiễm bệnh hoặc các sản phẩm tiêu dùng từ động vật bị nhiễm bệnh…
Bệnh than là một loại bệnh nguy hiểm nếu mắc phải, tuy nhiên, chúng lại không dễ bị lây nhiễm như những bệnh cảm lạnh hay cảm cúm và có thể chữa khỏi nếu được can thiệp điều trị sớm và đúng cách.
2. Các thể bệnh than và triệu chứng của bệnh
Tùy thuộc vào loại nhiễm trùng mà bệnh than có thể mất từ 1 ngày hoặc đến hơn 2 tháng mới xuất hiện các triệu chứng. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh than có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh than thể da
Đây là thể thường gặp nhất, chiếm 95% các trường hợp bệnh than.
Ở thể này, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể qua vết thương, thường xảy ra trong quá trình xử lý động vật bị nhiễm bệnh.
Các triệu chứng của bệnh than thể da:
- Nổi mụn nước nhỏ hay các vết u, gây ngứa trên da.
- Một vùng da có thể bị lở loét nhưng không gây đau, phần chính giữa vết loét có màu đen, xuất hiện sau mụn nước và các vết u.
- Thông thường, vết loét sẽ xuất hiện ở mặt, cổ, bàn tay hoặc cánh tay… Vùng da xung quanh vết lở loét thường sưng lên.
Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, tỉ lệ tử vong ở thể này có thể lên đến 20%.
Bệnh than thể hô hấp
Khi làm việc trong môi trường có khả năng nhiễm bệnh cao như lò giết mổ động vật, thuộc da, hay nhà máy len… ta có thể hít phải bào tử của trực khuẩn than từ động vật nhiễm bệnh.
Các triệu chứng của bệnh than thể hô hấp:
- Bệnh nhân ở thể này thường bị sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi rất nhiều, kèm theo tức ngực hay khó thở.
- Bên cạnh đó, bệnh than thể hô hấp thường gây nhức đầu, chóng mặt, ho, buồn nôn hoặc đau bụng.
- Ngoài ra, cảm thấy rất mệt mỏi và đau nhức mình cũng là một trong những biểu hiện thường thấy của bệnh than thể hô hấp.
Đây là thể bệnh chiếm tỉ lệ tử vong cao nhất. Nếu không được điều trị, số bệnh nhân sống sót chỉ nằm trong khoảng 10 - 15%. Tuy nhiên, nếu điều trị tích cực thì tỉ lệ sống sót khoảng 55%.
Bệnh than thể đường ruột
Khi ăn phải thịt của động vật nhiễm bệnh than chưa được nấu chín, vi khuẩn bệnh than sẽ phát triển ở ruột của người gây ra bệnh than thể đường ruột.
Các triệu chứng của bệnh than thể đường ruột:
- Bệnh nhân có thể bị nhức đầu, đỏ mặt, đỏ mắt, sốt và ớn lạnh, nổi hạch bạch huyết ở cổ hoặc sưng cổ.
- Cảm thấy đau họng, gây khó khăn khi nuốt. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể bị khan tiếng, nôn mửa nhiều, đặc biệt là nôn ra máu.
- Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác như tiêu chảy, tiêu chảy ra máu, đau bụng, bụng bị sưng hay ngất xỉu...
Nếu không được điều trị đúng cách, khoảng 50% số bệnh nhân mắc bệnh than ở thể đường ruột sẽ tử vong. 60% bệnh nhân sẽ sống sót nếu được điều trị tích cực.
Bệnh than qua tiêm chích
Gần đây, có một số trường hợp bị nhiễm trực khuẩn than ở những người dùng chung kim tiêm để tiêm chích ma túy đã được báo cáo ở các bệnh viện.
Các triệu chứng của bệnh than qua tiêm chích cũng giống như triệu chứng của bệnh than thể da. Tuy nhiên, bệnh than ở thể này có thể lây lan khắp cơ thể nhanh hơn, khó nhận biết và khó điều trị hơn so với thể da.
3. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh than
Những người phục vụ trong quân đội và được điều đến các khu vực có nhiều nguy cơ tiếp xúc với bệnh than.
Các nhà nghiên cứu về căn bệnh này trong phòng thí nghiệm.
Khi tiếp xúc thường xuyên với thú vật, đặc biệt là làm việc trong ngành thú y.
Xử lý da động vật, lông thú có nguồn gốc từ các khu vực mắc bệnh than cao.
Tiêm chích ma túy.
4. Điều trị
Có nhiều phương pháp để chọn lựa trong điều trị bệnh than, trong đó có thuốc kháng sinh và thuốc kháng độc. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân buộc phải nhập viện và cần được điều trị tích cực bằng cách dẫn lưu dịch liên tục, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở.
Kháng sinh
Bệnh than ở tất cả các thể đều có thể điều trị được bằng kháng sinh. Khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện, bệnh nhân cần được can thiệp bằng các biện pháp y tế càng sớm càng tốt để có cơ hội phục hồi hoàn toàn.
Dựa vào bệnh sử của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc kháng sinh phù hợp để điều trị bệnh than.
Kháng độc
Khi bào tử của bệnh than thâm nhập vào bên trong cơ thể, chúng sẽ được kích hoạt, nhân lên rồi lan ra toàn cơ thể. Sau đó, chúng sẽ tiết ra độc tố, chính những độc tố này khiến bệnh than trở nên trầm trọng hơn.
Bệnh ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng độc để điều trị. Khi vào trong cơ thể, thuốc kháng độc sẽ tiêu diệt các độc tố của vi khuẩn than. Tuy nhiên, phải sử dụng kết hợp thuốc kháng độc với các phương pháp điều trị tích cực khác.
5. Phòng ngừa
Nếu nghĩ rằng mình đã tiếp xúc với bệnh than, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và kiểm tra. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh phòng bệnh cho bạn, hoặc cho bạn sử dụng vaccine.
Kháng sinh
Ở những người đã tiếp xúc với bệnh than nhưng chưa phát bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh để giúp bạn ngăn ngừa bệnh than phát triển.
Vaccine sau khi tiếp xúc với bệnh
Loại vaccine này không chứa vi khuẩn gây bệnh than, việc tiêm ngừa loại vaccine này cũng sẽ không khiến người tiêm mắc bệnh.
Trong các trường hợp bệnh than bùng nổ, người tiếp xúc với bệnh có thể được chủng ngừa ngăn chặn bệnh lây lan.
Chủng ngừa này sẽ được thực hiện theo những quy định về việc sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp.
Vaccine trước khi tiếp xúc với bệnh
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh than, vaccine bệnh than thường được tiêm cho người từ 18 - 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh vì tính chất công việc như:
- Những người làm trong phòng thí nghiệm nghiên cứu bệnh than.
- Những người xử lý và tiếp xúc với động vật thường xuyên như bác sĩ thú y.
Để phòng ngừa bệnh than, ta sẽ được tiêm 5 liều vaccine ngừa bệnh trong vòng 18 tháng. Để phòng bệnh lâu dài, cần tiêm nhắc lại hằng năm.
Những trường hợp không nên tiêm vaccine
Không nên tiêm thêm bất kỳ liều vaccine nào nữa với những người có các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng với vaccine ngừa bệnh than.
Những người đang mắc bệnh than ở mức độ vừa hay nặng.
Phụ nữ mang thai.
Tin bài: Duy Thanh
Nguồn Internet
Nguồn Internet
Thông tin khác
- Trao học bổng nguyễn sinh sắc cho sinh viên nghèo (09/11/2024)
- Thông báo về việc tiếp nhận hiến máu tình nguyện đợt 03/2024 (08/11/2024)
- Thông báo v/v đăng ký lắp chân, tay giả miễn phí (05/11/2024)
- Thông báo về việc trao trả hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi b (26/10/2024)
- Kết quả họp dân bình xét thống nhất kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ làm... (19/10/2024)
- Tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động t10/2024 (18/10/2024)
- Phường 2 tổ chức họp mặt nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ việt... (17/10/2024)
- Tuyển dụng bổ sung người hoạt động không chuyên trách cấp xã năm 2024 (14/10/2024)
(0)
(0)
(0)
(0)
(0)
Mời bạn là người đầu tiên xếp hạng và nhận xét